Chất lượng là uy tín

Chất lượng là uy tín
Giáo dục học sinh phát triển toàn diện, có khả năng tự học và thích ứng với sự thay đổi xã hội

Lời nói đầu


Có được một trang web cho nhà trường là một mơ ước! Nói là mơ ước vì thực tế trường không có đủ kinh phí để thiết kế, đăng ký tên miền, cho người chịu trách nhiệm quản lý và thường xuyên cập nhật...Không thể lập nên rồi bỏ bê... trong khi trường không có kinh phí để trả lương cho một giáo viên dạy tin học cho học sinh.
Thôi thì, với Blog cây nhà lá vườn, mong các thầy cô và các em học sinh trường tiểu học Ngô Quyền hãy đóng góp bài để nói lên những hoạt động của nhà trường
Rất mong!
12/9/2009
Ban biên tập

Đôi lời tạm biệt

Blog trường tiểu học Ngô Quyền ra đời vào ngày 12/9/2009. Không tổ chức khai trương, chỉ có lời nói đầu gọn gàng. Không tốn một khoản phí nào của nhà trường, nhưng nhờ vào tinh thần nhiệt tình phục vụ không vụ lợi, blog đã nói lên đầy đủ các hoạt động của trường tiểu học Ngô Quyền trong năm học 2009-2010.Đến nay, thầy giáo Nguyễn Văn Công đã chuyển về trường mới, blog xin tạm biệt bạn đọc.Xin cám ơn thầy cô giáo, các em học sinh, cha mẹ học sinh đã tìm đến blog này, và xin cám ơn Google đã cung cấp phần mềm miễn phí để nhà trường thực hiện ước mơ của mình.
01/8/2010

Ban biên tập

Bài viết dự thi kỉ niệm 5 năm thành lập quận Cẩm Lệ


BÀI DỰ THI KỶ NIỆM 5 NĂM THÀNH LẬP QUẬN CẨM LỆ
TÁC GIẢ: Nguyễn Thị Thu Hà- Trường tiểu học Ngô Quyền


Truyện ngắn : Những chiếc nhãn vở của học trò tôi.

   Trong mỗi giáo viên chúng ta chắc ai cũng có những kỷ niệm buồn vui trong suốt quãng đời đi dạy của mình.
  Với tôi cũng vậy, hình ảnh cậu học trò nhỏ với những “ chiếc nhãn vở” đã trở thành kỷ niệm khó quên. Hình ảnh ấy cứ hiện về rõ mồn một trong tôi mỗi độ tựu trường.
  Ngày ấy, ra trường, tôi được nhận công tác tại một xã nghèo của Duy Xuyên. Duy Nghĩa một vùng quê ven biển, đặc sản nơi đây là khoai lang, khoai lang bạt ngàn, xanh mướt cả lối đi về.
  Trình diện thầy hiệu trưởng, tôi được phân công chủ nhiệm lớp cuối cấp- Lớp Năm/ một.
  Nhận lớp với một tâm trạng lo lắng, bâng khuâng. Tôi tìm đến chị Lan- giáo viên chủ nhiệm cũ để tìm hiểu hoàn cảnh của học sinh lớp mình, tìm hiểu tâm lý cũng như khả năng học tập của các em.
  Học sinh của tôi phần lớn là con nông dân, dân nghèo, quen đi chân trần đến lớp. Sau những giờ đi học các em còn phải kễu kệt trên vai đôi gánh nước tưới khoai. Bên cạnh cái khổ nghèo ấy tôi rất vui khi được biết các em rất chăm học và quí mến thầy cô.
  Chị Lan nói nhiều đến Tuấn- Trần Minh Tuấn một lớp trưởng gương mẫu của lớp, thông minh, cần mẫn.
  Làm quen các em tôi rất hài lòng về Tuấn, cậu học trò nhỏ, dáng gầy khuôn mặt rắn rõi, đôi mắt sáng và vầng trán rộng. Em vẫn được các bạn tín nhiệm bầu làm lớp trưởng.
  Việc đầu tiên của những ngày đầu năm học là hướng dẫn các em chuẩn bị sách vở và đồ dùng học tập. Tôi hướng dẫn các em bao vở, những tờ giấy bao từ bao xi- măng được xếp lại phẳng phiu. Tôi hướng dẫn các em về nhà làm và dán nhãn vở.
  Đầu tuần tôi kiểm tra bộ vở của cả lớp. Duy chỉ có bộ vở của Tuấn là còn thiếu nhãn. Tôi thoáng buồn và ngạc nhiên nhưng vẫn nhẹ nhàng hỏi:
-         Tuấn! Vì sao em vẫn chưa dán nhãn vở?
Giọng em ngập ngừng, bối rối.
-         Thưa cô! Em đã dán rồi, nhưng nó bị rớt ra ạ.
-         Sao lại rớt ra hả em? Thế em dán bằng gì?
-         Dạ em dán bằng cơm ạ.
  Tôi lấy làm lạ, không hiểu vì sao nhãn vở của em lại rơi ra nhưng vẫn tin điều em nói. Tôi hẹn Tuấn hôm sau sẽ kiểm tra lại. Hôm sau bộ vở của Tuấn vẫn không có nhãn. Lần này, tôi vừa buồn vừa giận vì Tuấn đã đánh mất niềm tin ở tôi.
  Tôi không tin điều em nói nữa: “ Em đã dán lại rồi nhưng nó vẫn rớt ra”.
  Vì sao Tuấn lại nói dối? Tôi không muốn tin là Tuấn không vâng lời cô giáo. Tuấn là học sinh gương mẫu kia mà! Nhưng sự thật là như vậy. Nếu không, thì tại sao? Câu hỏi ấy cứ lãng vãng mãi trong tôi.
  Chiều hôm ấy, sau bữa cơm tập thể, tôi rủ chị Lan cùng đến thăm nhà Tuấn. Cả nhà đang ăn cơm.
  Lòng tôi chợt se lại khi nhìn thấy chén cơm trên tay Tuấn. Nói đúng hơn là khoai độn cơm. Những hạt cơm hiếm hoi lẫn với khoai. Tôi chợt hiểu ra vì sao nhãn vở của em lại bị rơi ra. Tôi thấy cay cay ở bờ mi, nước mắt chực trào ra, nhưng tôi kìm lại được. Dấu đi sự xúc động, tôi trò chuyện vui vẻ cùng gia đình.
  Trên đường về, đi bên chị Lan tôi yên lặng không nói. Có cái gì nghèn nghẹn ở trong tôi.
  Tôi thương Tuấn quá, thế mà suýt chút nữa tôi đã trách oan em. Tối hôm đó tôi sang chị Cẩm xin ít bột sắn, ít vôi để khuấy hồ.
  Sáng hôm sau với chén hồ trên tay, tôi đến lớp trong tâm trạng thật vui- vui vì đã hiểu được sự thành thật của Tuấn, đã giải toả được những vướng mắc trong lòng, vui vì mình có cơ hội để sửa sai. Tôi dán lại những chiếc nhãn vở cho Tuấn.
  Tôi vui vẻ nói:
-         Lần này chắc chắn nhãn vở của em sẽ không bị rơi ra nữa đâu.
  Tuấn mỉm cười, cảm ơn tôi. Tôi đọc được nụ cười tươi rói của em. Nụ cười hàm chứa sự biết ơn vì đã được cảm thông, chia sẻ. Tôi tiếp tục dán lại những chiếc nhãn vở sắp rơi của nhiều em nữa trong lớp.
  Câu chuyện về chiếc nhãn vở của học trò tôi đã trở thành dấu ấn khó quên trong suốt quãng đời cầm phấn của mình. Nó luôn hiện hữu trong tôi như một lời nhắc nhở trong công tác chủ nhiệm của mình. Từ đó và mãi về sau này tôi luôn cẩn trọng mỗi khi nhận xét, đánh giá học sinh của mình.
  Một thời gian sau, tôi trở về thành phố giảng dạy. Một hôm, vào ngày 20 tháng 11, có một anh bộ đội đến tìm tôi với lẵng hoa trên tay. Tôi ngờ ngợ cố nhớ ra, anh bộ đội reo lên:
-         Thưa cô! Em là Tuấn đây ạ, Tuấn ngày xưa nhờ cô dán hộ nhãn vở đây ạ.
  Đúng là Tuấn rồi- Vẫn đôi mắt ấy, vầng trán ấy nhưng em khác xa hình ảnh của em trong tôi. Mười lăm năm rồi còn gì. Tim tôi đập rộn ràng xúc động. Một niềm hạnh phúc tràn ngập trong tôi…
  Giờ đây tôi vẫn ngày hai buổi tới trường, vẫn vẹn nguyên bầu nhiệt huyết thuở ban đầu. Tóc trên đầu đã điểm bạc nhưng trái tim tôi vẫn rộn ràng mỗi khi nhận lớp.
  Nhiều thế hệ học sinh đã đi qua đời tôi, đã trưởng thành nhưng tôi tin rằng vẫn luôn có hình bóng của tôi trong mỗi các em và tôi cũng chỉ cần có vậy.



BÀI DỰ THI KỶ NIỆM 5 NĂM THÀNH LẬP QUẬN CẨM LỆ

TÁC GIẢ : Trương Thị Mai- Trường tiểu học Ngô Quyền


Đừng nhìn như thế…


Đừng nhìn như thế, em ơi
Tôi đâu ước muốn, lẽ đời vậy thôi
Hình như đôi mắt có lời
Nửa vui cho phận, nửa bời bời lo
Cùng chung gánh nghiệp đưa đò
Vai nào lệch phía câu hò ví von
Đừng nhìn như thế, đừng con
Ba chưa kịp nghĩ thiệt hơn thế nào
Dõi hồn nương giấc chiêm bao
Mơ điều tốt đẹp ươm vào trong nhau
Chắc chiu dành để mai sau
Dỗ lòng ba dấu phút đau lúc này
Đừng nhìn như thế, mắt cay
Giọt rưng rưng chảy theo ngày tháng trôi
Đừng nhìn như thế, người ơi
Câu thơ nuôi dưỡng xanh lời yêu thương
Đèn khuya, giáo án, mái trường
Xin tha thứ nhé niềm vương vấn này….


Đà Nẵng, ngày 9 tháng 9 năm 2009